VĂN HÓA DOANH NGHIỆP LÀ GÌ

Có rất nhiều định nghĩa xung quanh khái niệm văn hóa doanh nghiệp, mỗi nền văn hóa, nền tảng kiến thức khác nhau sẽ có những định nghĩa khác nhau. Và mỗi doanh nghiệp lại có một cái nhìn và cách tiếp thu riêng biệt. Hiện có đến trên 300 định nghĩa khác nhau về văn hóa doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các định nghĩa đều có các điểm chung: xem Văn hóa Doanh nghiệp là toàn bộ các giá trị được xây dựng trong suốt quá trình hình thành, phát triển của Doanh nghiệp. Những giá trị này ảnh hưởng và quyết định đến lối suy nghĩ, hành xử của từng cá nhân trong Doanh nghiệp. Điều này tạo nên điểm khác biệt cho mỗi Doanh nghiệp. Chúng ta sẽ điểm qua một vài định nghĩa về Văn hóa doanh nghiệp bên dưới.​

Văn hóa doanh nghiệp – những cách tiếp cận đa chiều

Văn hóa doanh nghiệp ngày nay đã trở thành một khái niệm hết sức quen thuộc và gần gũi với mọi người. Ở mỗi một nền văn hóa, với nền tảng kiến thức khác nhau sẽ có một góc nhìn khác biệt về khái niệm này. Không chỉ ở mỗi một quốc gia, mà ở mỗi một doanh nghiệp đều có cách tiếp nhìn và tiếp nhận khác nhau về văn hóa doanh nghiệp.

Hiện có đến trên 300 định nghĩa khác nhau về văn hóa doanh nghiệp. Các định nghĩa ấy có điểm chung là xem văn hóa doanh nghiệp là toàn bộ các giá trị được xây dựng trong suốt quá trình hình thành, phát triển của doanh nghiệp. Những giá trị này ảnh hưởng và định hình lối suy nghĩ, hành xử của từng cá nhân và tạo ra sự khác biệt cho mỗi doanh nghiệp.

Dưới đây là một vài khái niệm điển hình mà TOPPION chọn lọc để giới thiệu đến độc giả:

Theo Business Dictionary: văn hóa doanh nghiệp bao gồm các kỳ vọng, kinh nghiệm, triết lý và các giá trị kết nối các yếu tố này lại với nhau. Chúng được thể hiện thông qua hình ảnh, các hoạt động bên trong, các tương tác với bên ngoài và các kỳ vọng trong tương lai. Văn hóa doanh nghiệp dựa trên các giá trị, niềm tin, phong tục được đồng thuận, các nguyên tắc được văn bản hóa hay không được văn bản hóa được phát triển theo thời gian và được số đông công nhận là đúng. Văn hóa doanh nghiệp còn thể hiện qua:

• Cách thức kinh doanh của doanh nghiệp, cách tương tác với nhân viên, khách hàng, và xa hơn là tương tác với cộng đồng.

• Các áp lực khi ra quyết định, phát triển các ý tưởng mới hay thể hiện cái tôi cá nhân.

• Việc sắp xếp cơ cấu tổ chức như thế nào.

• Và việc nhân viên cam kết hướng đến mục tiêu của tổ chức như thế nào.

Vào năm 2000, Deal & Kennedy định nghĩa: Hiểu một cách đơn giản, Văn hóa doanh nghiệp là “cách mà mọi thứ được thực hiện xung quanh đây”.

Còn vào năm 2004, Needle cho rằng: Văn hóa doanh nghiệp cũng bao gồm luôn cả tầm nhìn, giá trị cốt lõi, các tiêu chuẩn, hệ thống, biểu tượng, ngôn ngữ, giả định, niềm tin cũng như các hành vi của các thành viên trong tổ chức.

Trong khi các định nghĩa về văn hóa ở trên thể hiện việc hình thành văn hóa tại nơi làm việc thì một số định nghĩa khác lại nhấn mạnh đến hành vi của nhân viên, và cách văn hóa tổ chức ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi của nhân viên trong tổ chức như thế nào.

  “Văn hóa doanh nghiệp là một tập hợp các giả định được chia sẻ nhằm định hướng cho các vấn đề xảy ra trong doanh nghiệp bằng cách đưa ra các hành vi thích hợp cho từng tình huống khác nhau” – Ravasi & Schultz, 2006.

 “Văn hóa doanh nghiệp ảnh hưởng đến cách mọi người và các nhóm tương tác với nhau, với khách hàng và với các bên liên quan” – Schrodt, 2002.

 Theo Edgar H.Schein – Giáo sư danh dự về khoa học quản trị tại đại học MIT, người có đóng góp rất lớn trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, Văn hóa Doanh nghiệp được định nghĩa như sau: “Văn hóa doanh nghiệp là mô hình mẫu của các giả định căn bản đã được vận hành đủ tốt để đánh giá là phù hợp khi giải quyết các vấn đề của Doanh nghiệp”.

“Văn hóa doanh nghiệp là mô hình mẫu của các giả định căn bản đã được vận hành đủ tốt để đánh giá là phù hợp khi giải quyết các vấn đề của Doanh nghiệp”
Edgar H. Schein – Giáo sư danh dự về khoa học quản trị tại đại học MIT

Ở địa hạc kinh tế, văn hóa doanh nghiệp đôi khi còn được gọi bằng những thuật ngữ khác như: văn hóa tổ chức, văn hóa kinh doanh, văn hóa làm việc,…Vậy, cách hiểu nào là đúng?

Thực chất, đối với mỗi cá nhân, mỗi tổ chức đều có một cách hiểu khác nhau về khái niệm của văn hóa doanh nghiệp. Bởi “lăng kính” của mỗi người được cấu tạo từ nền tảng kiến thức, hiểu biết và trải nghiệm khác nhau. Vì thế, đối với văn hóa doanh nghiệp, chúng ta không phân định đúng – sai, mà chỉ có sự phù hợp và không phù hợp mà thôi.

3 cấp độ của văn hóa doanh nghiệp

Cũng theo Edgar H.Schein, văn hóa doanh nghiệp được chia làm 03 cấp độ như sau:

• Cấp độ 01: Các “sản phẩm” của con người

Đặc thù của văn hóa doanh nghiệp ở cấp độ 01 là rất dễ quan sát nhưng lại khó lý giải. Nó được biểu hiện qua những gì chúng ta có thể nhìn thấy và cảm nhận. Nó được biểu hiện qua các “sản phẩm” cả hữu hình và vô hình. Chẳng hạn: Văn phòng, sản phẩm, trang phục (sản phẩm hữu hình) và nhận thức, tư duy của đội ngũ như: thái độ, thẩm mỹ và các nghi (sản phẩm vô hình).

Cấp độ 02: Các niềm tin và giá trị được đồng thuận 

Văn hóa doanh nghiệp ở cấp độ 02 khá trừu tượng. Chúng hàm chứa những niềm tin chủ đạo, hệ thống những giá trị được sự thừa nhận; đồng thời là cơ sở để dẫn dắt hành động và tác động đến việc ra quyết định của các thành viên trong đội ngũ. Để dễ hình dung, hãy theo dõi ví dụ dưới đây:

Trong một doanh nghiệp, định hướng của CEO trong triết lý kinh doanh là hướng đến khách hàng và hướng đến chất lượng dịch vụ hoàn hảo. Ban đầu đây chỉ là quan điểm của một cá nhân. Trong thời kỳ mới khởi nghiệp, người đứng đầu luôn trao đổi với mọi người về triết lý này. Khi giao hàng lỗi, ngay lập tức người đứng đầu cho phép đổi sản phẩm mới ngay lập tức. Khi thấy một nhân viên làm khách hàng không hài lòng, CEO sẵn sàng sa thải…

Theo thời gian, công ty nhận được phản hồi rất tốt, lượng khách trung thành theo đó tăng cao và việc kinh doanh cũng phát triển theo hướng tốt hơn. Các thành viên khác mới vào công ty chưa có kinh nghiệm cũng thấy rằng triết lý hướng đến khách hàng là đúng.

Khi nhà quản lý thuyết phục được đội ngũ hành động theo niềm tin của mình và đạt được hiệu quả, mọi người đều công nhận thì lúc đó giá trị “hướng đến khách hàng” sẽ dần dần trở thành niềm tin chủ đạo và là giá trị được đồng thuận.

Cấp độ 03: Các giả định căn bản làm nền móng 

Khi các giải pháp được đưa ra dựa trên niềm tin chủ đạo liên tục có hiệu quả thì nó sẽ trở thành điều hiển nhiên đúng, hay còn được gọi là Giả định căn bản.

Chẳng hạn như trong ví dụ nêu ở cấp độ 2, niềm tin “hướng đến khách hàng” liên tục tạo ra hiệu quả. Theo thời gian, số đông đội ngũ khi đứng trước khách hàng hoặc khi giải quyết các vấn đề với khách hàng luôn có một giả định căn bản hiển nhiên: “cứ mỗi một khách hàng hài lòng thì công ty sẽ phát triển”. Đặc điểm của cấp độ 03 là các giả định rất khó để thay đổi.

Văn hóa doanh nghiệp từ góc nhìn của TOPPION

Từ những nền tảng kiến thức về văn hóa doanh nghiệp nêu trên, TOPPION tổng hợp và đúc kết để đưa ra cách tiếp cận đơn giản dưới đây:

Về khái niệm: Văn hóa doanh nghiệp là mô hình mẫu các giả định căn bản đã được vận hành đủ tốt để đánh giá là phù hợp khi giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp.

Vai trò: Văn hóa như là linh hồn của của doanh nghiệp. Chúng là nền tảng giúp đội ngũ đạt được sự thống nhất trong nhận thức, là cơ sở để các cá nhân ra quyết định hằng ngày và đồng thời cũng là giúp gắn kết đội ngũ, hướng tới mục tiêu và chiến lược.

Tựu trung lại, mỗi tổ chức sẽ có một góc nhìn, cách tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, vấn đề căn cốt trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp vẫn là văn hóa ấy phải phù hợp với mục tiêu, chiến lược phát triển của doanh nghiệp.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *