Baemin thông báo sẽ chính thức ngừng hoạt động tại Việt Nam từ ngày 8/12. Công ty mẹ của Baemin có chiến lược tập trung, ưu tiên các thị trường đang dẫn đầu, có khả năng dẫn đầu.
Chia sẻ với phóng viên báo Dân trí, bên phát ngôn của Baemin cho biết quyết định rời khỏi Việt Nam của Baemin “được thúc đẩy bởi tình hình kinh tế khó khăn trên toàn cầu, cũng như thực trạng cạnh tranh khốc liệt của thị trường nước sở tại”.
Bên cạnh đó, để hoàn thiện sứ mệnh tạo ra trải nghiệm tối ưu cho khách hàng, Delivery Hero – công ty mẹ của Baemin Việt Nam – đã đưa ra quyết định chiến lược tập trung vào và ưu tiên các thị trường mà ở đó thương hiệu của tập đoàn đang dẫn đầu và có khả năng dẫn đầu.
Hiện tại, ưu tiên của đơn vị này trong những tuần tới là chăm sóc, hỗ trợ cũng như hoàn tất nghĩa vụ và trách nhiệm đối với toàn thể nhân viên của công ty, các đối tác tài xế và đối tác nhà hàng.
“Toàn thể nhân viên cũng đang cố gắng hết sức để khép lại hành trình đáng nhớ tại Baemin”, đại diện trên cho biết.
Tại Việt Nam, Baemin bắt đầu kinh doanh từ năm 2019 sau thương vụ thâu tóm ứng dụng giao đồ ăn Vietnammm. Ngoài giao đồ ăn, Baemin còn có dịch vụ đi chợ hộ, bách hóa trực tuyến và một thương hiệu mỹ phẩm riêng.
Baemin được vận hành bởi Woowa Brothers Việt Nam. Doanh nghiệp này là liên doanh giữa Woowa Brothers – công ty giao đồ ăn đứng đầu tại Hàn Quốc và Delivery Hero – tập đoàn công nghệ giao đồ ăn của Đức.
Hồi cuối tháng 9, Delivery Hero đã xác nhận với Deal Street Asia về việc thay đổi chiến lược hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
“Sự thay đổi này sẽ làm giảm một lượng lớn nhân sự của chúng tôi. Nhưng quyết định chiến lược này hoàn toàn phù hợp với định hướng chiến lược của tập đoàn và giúp chúng tôi nhằm nâng cao cơ cấu tổ chức”, đại diện của Delivery Hero cho biết.
Đơn vị chủ quản Baemin cho biết mục tiêu của mình là tinh gọn và tối ưu hóa bộ máy nhằm nâng cao lợi nhuận và phát triển bền vững trong dài hạn.
Thời điểm này, trang Deal Street Asia cho biết Baemin đã giảm một nửa lượng nhân sự tại Việt Nam.
Thị trường giao đồ ăn cạnh tranh hiện tương đối khốc liệt. Theo báo cáo mới nhất về thị trường giao đồ ăn trực tuyến ở các thị trường hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á của Momentum Works, tổng chi tiêu cho dịch vụ giao đồ ăn trong năm 2022 tại các nước trong khu vực này lên đến 16,3 tỷ USD, tăng 5% sau 2 năm bùng nổ giao hàng do Covid-19.
Sự tăng trưởng chủ yếu được thúc đẩy bởi các thị trường giao đồ ăn trong khu vực bao gồm Philippines (tăng 0,8 tỷ USD), Malaysia (tăng 0,6 tỷ USD) và Việt Nam (tăng 0,3 tỷ USD).
Cùng với áp lực gia tăng về khả năng sinh lời từ các nhà đầu tư, những ứng dụng giao thức ăn hiện tại và mới đang tiếp tục cắt giảm các chương trình khuyến mãi, hỗ trợ đối với dịch vụ giao đồ ăn, đồng thời đẩy mạnh sức cạnh tranh dựa trên chất lượng dịch vụ và các yếu tố khác biệt.
Trong buổi hội thảo ẩm thực và đồ uống 2023, ông Jinwoo Song – Tổng giám đốc Baemin – chia sẻ thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam không hề mới lạ khi có thể đáp ứng được những xu hướng tiêu dùng hiện đại của khách hàng. Dù thế, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt
“Sự phát triển gần đây của thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam là không hề mới lạ, khi thị trường này có thể đáp ứng được những xu hướng tiêu dùng hiện đại của khách hàng, đó là chú trọng vào sự thuận tiện và tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với những thách thức đáng kể, mà trong đó việc chuyển dịch định hướng từ thu hút khách hàng, cạnh tranh khuyến mãi sang sinh lời và phát triển bền vững là chủ đề trọng tâm.”
Tuy nhiên một chuyên gia trong ngành marketing cho biết Baemin làm thương hiệu tốt, tạo được sự chú ý với người dùng nhưng chưa tạo ra sự khác biệt về sản phẩm dịch vụ. Trong khi sản phẩm, dịch vụ, sự đa dạng về hệ thống hàng quán lại là yếu tố quyết định việc sử dụng của người dùng đối với ứng dụng giao đồ ăn.
Báo cáo năm 2022 của hãng nghiên cứu thị trường Statista cho biết ứng dụng này nắm giữ 12% thị phần vào năm 2022, thấp hơn đáng kể so với mức 45% của Grab và 41% của ShopeeFood.